Trẻ đâu phải siêu nhân, chỉ cần các em giỏi nhất theo khả năng của mình

Chúng tôi không đòi hỏi các em trở thành những học sinh quá xuất sắc ngoài khả năng của các em, mà giúp các em phấn đấu giỏi nhất theo khả năng của mình.

Với nhiều học sinh, đến trường học mỗi sáng là nỗi ám ảnh vì chúng lo lắng bài vở, vì không có hứng thú học tập, vì áp lực thành tích.

Nhưng đối với cháu tôi, một học sinh đang học tập tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn (một cấp học thuộc hệ thống trường phổ thông liên cấp từ Tiểu học, Trung học cơ sở đến Trung học phổ thông tư thục ở khu đô thị Mỹ Đình 1, Hà Nội) thì lại hoàn toàn khác.

Mỗi ngày, cô bé đều đầy hào hứng đến trường mà không cần bố mẹ giục giã thức dậy.

Cô bé không quá giỏi các môn văn hóa. Theo đánh giá của gia đình chúng tôi, lực học của con chỉ ở mức trung bình.

“Tài năng” tốt nhất mà gia đình chúng tôi nhìn ra được ở con là đam mê ca hát. Nhưng mỗi ngày đi học về con đều muốn kể cho cả nhà nghe hôm nay ở trường con học gì, làm gì.

Nó thôi thúc tôi muốn biết nhà trường đã làm gì khiến cháu tôi bị “mê hoặc” đến vậy.

Thầy Nguyễn Quốc Bình trò chuyện với các em học sinh. Ảnh: thcs.lequydonhanoi.edu.vn

Khá bất ngờ khi lãnh đạo nhà trường lại là gương mặt rất quen thuộc, thầy Nguyễn Quốc Bình –thầy giáo từng gây sốt khi trình diễn tiết mục beatbox và nhảy hip hop ngay trong lễ khai giảng tại trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội) nhiều năm trước.

Thời điểm đó, thầy Bình là Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Việt Đức.

Giờ đây, thầy Nguyễn Quốc Bình giữ vai trò Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở & Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (thuộc hệ thống trường phổ thông liên cấp từ Tiểu học, Trung học cơ sở đến Trung học phổ thông tư thục ở khu đô thị Mỹ Đình 1, Hà Nội).

Qua chia sẻ của thầy về quan điểm, triết lý dạy và học của nhà trường khiến tôi phần nào lý giải được lý do khiến cháu tôi háo hức đến trường mỗi ngày đến vậy.

Thầy Nguyễn Quốc Bình chia sẻ, Trường Lê Quý Đôn là hệ thống trường phổ thông liên cấp tư thục ở Hà Nội có triết lý giáo dục rõ ràng, được quán triệt thống nhất từ Hội đồng sáng lập, quản trị cho đến toàn thể các thầy cô giáo.

Đi vào cụ thể, sĩ số mỗi lớp trong trường chỉ có 30 học sinh. Với nhà trường, mỗi học sinh đều được thầy cô xem là cá nhân riêng biệt.

Mỗi em có đặc điểm tâm lý, khả năng, niềm vui, nỗi buồn, hoàn cảnh khác nhau. Quan điểm của nhà trường đến từng thầy cô là phải quan tâm đến từng học sinh chứ không chỉ là ở mức độ chung chung cả lớp.

Để làm được điều này, mỗi giáo viên phải sâu sát hơn, phải gần gũi, lắng nghe học sinh. Và để làm được điều đó, nhà trường phải đảm bảo làm sao các thầy cô đến trường làm việc có thể toàn tâm toàn ý, toàn thời gian cho các con.

Ngoài giờ lên lớp, thầy cô còn có nhiều khoảng thời gian cùng sinh hoạt cùng ăn, cùng ngủ với các con.

Các hoạt động trải nghiệm của trường cũng được tổ chức thường xuyên để thầy cô có điều kiện hiểu, gần gũi, lắng nghe tâm tư, mong muốn, khó khăn của mỗi em, kịp thời giải đáp, giúp đỡ sớm nhất có thể.

“Có làm được như vậy, chúng tôi mới giúp các con tiến bộ.

Vì nếu không quan tâm đến mỗi cá tính, mỗi học sinh thì rất khó biết mỗi con có điểm mạnh, điểm yếu nào.

Lâu nay có một thực tế mà tôi nhận thấy là các thầy cô thường chỉ tập trung vào nhóm các em học sinh giỏi mà bỏ quên các em top dưới, các trường hợp đặc biệt.

Vì vậy, gắn bó với trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, tôi luôn tâm niệm là trong quá trình giảng dạy, làm công tác quản lý phải thay đổi quan niệm để không em học sinh nào bị quên hay bị bỏ lại phía sau”, thầy Bình chia sẻ.

Bằng cách động viên, khuyến khích các em thấy được mặt mạnh, điểm đặc biệt của mình để em tự tin hơn trong học tập, trong cuộc sống.

“Em có thể học không giỏi nhưng các em chỉ cần có một thay đổi nhỏ thôi.

Ví dụ hôm nay con phát biểu xây dựng bài, con đi học đúng giờ, giữ trật tự trong lớp…một thay đổi tiến bộ dù rất nhỏ thôi, thầy cô cũng đừng tiết kiệm lời động viên các con.

Tôi cũng luôn mong mỏi thầy cô là ngoài kiến thức, kỹ năng sư phạm, người thầy cần có lòng nhân ái, bao dung sống trung thực, trách nhiệm”, vị Hiệu trưởng nhấn mạnh.

Những điều này theo thầy Bình không phải ngày một ngày hai, lúc nào cũng thực hiện được 100%.

Nhưng nhờ có những định hướng này, trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lê Quý Đôn đặt mục tiêu là các con khi đến trường cảm nhận được những niềm vui, niềm hạnh phúc trong học tập, trong cuộc sống.

Niềm vui của các em tham gia trải nghiệm “một ngày là học sinh lớp 6” tại trường. Ảnh: Đỗ Thơm

Thầy Bình cho biết: “Chúng tôi không đòi hỏi các con trở thành những học sinh giỏi hay quá xuất sắc ngoài khả năng của con.

Chúng tôi mong muốn các con nỗ lực, kiên trì, phấn đấu trở thành học sinh giỏi nhất theo khả năng của mình.

Giỏi ở đây không có nghĩa là chỉ có học tập giỏi mà còn có những điểm giỏi khác như văn nghệ, thể dục, thể thao.

Các em có tình thương yêu, nhân ái, chia sẻ, làm những điều tử tế. Tất cả điều đó đều được nhà trường quan tâm, trân trọng”.

Theo thầy Bình, muốn thu hút được các con đi học, thể hiện hết mình thì phải tạo được hứng thú, niềm vui, sự hạnh phúc khi học tập ở trường.

Nhà trường đặc biệt quan tâm đến các em đầu cấp vào lớp 6. Đây là một quá trình chuyển giai đoạn từ lứa tuổi từ tiểu học lên Trung học cơ sở.

Nó kéo theo sự thay đổi từ việc học, sinh hoạt. Rõ ràng, chuyển cấp bài vở, lượng kiến thức với các con là nhiều hơn.

Môi trường mới, bạn bè lạ, vì thế nhà tổ chức các hoạt động để các em dần thích nghi với môi trường học tập mới.

Điển hình như nhà trường tổ chức chương trình “Một ngày là học sinh lớp 6” để các em được trải nghiệm một vài giờ học Toán, Văn, Ngoại ngữ của các anh chị lớp 6.

Các con được tham gia trải nghiệm tại câu lạc bộ STEM, trực tiếp làm ra các sản phẩm từ vật liệu đơn giản dựa trên kiến thức đã được học.

Các em được vui chơi, được thăm quan ngôi trường ở cấp Trung học cơ sở, mô hình học tập mà chỉ ít tháng nữa các em sẽ tiếp cận chính thức.

“Đặc biệt trong thời gian tựu trường, nhà trường dành ra những thời gian nhất định để tổ chức cho các con học về cách sử dụng trang thiết bị trong nhà trường.

Chúng tôi hướng dẫn các con tỉ mỉ như giờ ăn, các con phải xếp hàng, lấy thức ăn ra sao. Ăn xong, các con dọn dẹp chỗ như thế nào”, thầy Bình cho biết.

Có lẽ, chính những quan tâm từ chi tiết nhỏ nhất trong sinh hoạt, rồi đến học tập của từng em học sinh đã giúp cho các em thấy mình được trân trọng, được là mình trong một tập thể thầy cô, bạn bè yêu thương chúng.

Đỗ Thơm (Theo Báo Giáo dục)