Dạy học lấy học sinh làm trung tâm

Năm 450 trước công nguyên, Khổng Tử đã nói về việc học như sau: Tôi nghe và tôi quên; tôi nhìn và tôi nhớ; tôi làm và tôi hiểu.
Thật vậy, các nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ em học hiệu quả nhất khi các em được tích cực tham gia vào quá trình học tập.

Dạy học đã chuyển từ giảng giải, ghi nhớ sang việc giáo viên tổ chức, tạo cơ hội tối đa để học sinh tham gia tích cực vào quá trình dạy học thông qua các  hoạt động : trải nghiệm, giao tiếp, tương tác, rút kinh nghiệm. Đấy là dạy học lấy học sinh làm trung tâm.

Những yếu tố đặc trưng của “dạy học lấy học sinh làm trung tâm”
Để học sinh thật sự trở thành trung tâm của quá trình dạy học, giáo viên phải luôn hướng vào người học, dựa vào nhu cầu của người học trong suốt quá trình dạy học. Quá trình này được biểu thị qua ba giai đoạn chính trong quy trình dạy học
Những kĩ năng chính cần có ở mỗi giai đoạn

a. Giai đoạn chuẩn bị kế hoạch bài học

– Xác định mục đích, yêu cầu của từng bài dạy (mục tiêu)

– Viết mục tiêu dưới dạng cụ thể, đo được với ngôn từ phù hợp

–  Soạn cẩn thận  nội dung của từng phần (từng hoạt động) trong bài dạy để đạt được mục tiêu đề ra

+ Lựa chọn nội dung trong từng hoạt động sao cho học sinh lĩnh hội được một số kiến thức cơ bản để tự mình khám phá kiến thức mới

+ Lựa chọn các hoạt động dạy học để đáp ứng đúng nhu cầu học tập của cá nhân hay nhóm học sinh

+ Chuẩn bị cách chia nhóm học sinh

– Lên kế hoạch về việc phân bố thời gian cho các hoạt động tương ứng

– Tự làm hay thu thập các đồ dùng hỗ trợ dạy học

– Dự kiến các tình huống sư phạm

b. Giai đoạn thực hiện kế hoạch bài học

– Tổ chức cho học sinh hoạt động trên đồ dùng, tài liệu, suy luận, thảo luận, nhận xét (hướng dẫn sử dụng đồ dùng dạy học, giải thích,…)

–         Hệ thống câu hỏi, đặt câu hỏi (khuyến khích, hướng dẫn suy nghĩ của trẻ)

–         Hỗ trợ học sinh, nhóm học sinh (tiến hành các hoạt động trong các bước phát triển bài)

–         Đánh giá kết quả học tập của học sinh (kĩ năng quan sát, nhận xét bằng lời, ghi câu nhận xét vào tập cho các em)

–         Khuyến khích học sinh tự phản ánh quá trình nhận thức của các em và cách các em diễn đạt

–         Đặt ra mục tiêu học tập

–         Cách tổ chức trò chơi hiệu quả

–         Tổ chức sắp xếp đồ dùng dạy học

–         Giải quyết vấn đề ( gồm cả việc ứng xử với các tình huống sư phạm nảy sinh trong quá trình dạy học)…

c.Giai đoạn đánh giá rút kinh nghiệm

– Xem xét các đánh giá, đánh giá lần cuối kết quả học tập của học sinh từ bài học, nội dung bài học và giáo viên cần tự đánh giá cả giai đoạn chuẩn bị bài, thực hiện kế hoạch bài của bản thân (những điều đã làm tốt, những điều nào cần phải bổ sung, điều chỉnh, cách làm như thế nào để tổ chức cho học sinh hoạt động tốt hơn?)

– Sử dụng thông tin đánh giá (lưu trữ kết quả và tư liệu) vào việc thiết kế bài học và hoàn thiện kế hoạch bài học cho các bài tiếp theo.

Ngoài các kĩ năng nêu trên, giáo viên vẫn cần tiếp nhận một số kĩ năng khác như:

–         Tạo môi trường học tập thân thiện và tin tưởng để học sinh cảm nhận bản thân có giá trị (tổ chức sắp xếp bàn ghế, chỗ ngồi, không gian lớp học để các em có thể cùng học với nhau một cách vui, hấp dẫn, giáo viên thuận tiện trong việc theo dõi và hỗ trợ học sinh)

–         Đảm bảo cơ hội công bằng để tất cả học sinh trong lớp tiếp cận với các hoạt động học tập

–         Xây dựng nội quy lớp học và thời gian biểu để học sinh thực hiện đúng giờ và hiểu được cách cư xử đúng mực, phù hợp trong lớp

–         Phối hợp với giáo viên dạy môn, cán bộ của trường, phụ huynh và cộng đồng để hỗ trợ quá trình học tập của học sinh.

Hiện nay, điều kiện về không gian lớp học, thời lượng dành cho một tiết dạy, khâu chuẩn kế hoạch bài học mới và khâu đánh giá rút kinh nghiệm còn là điểm khó đối với giáo viên nên việc “dạy học lấy học sinh làm trung tâm” vẫn là thách thức đối với cán bộ giáo viên tiểu học, nhưng vì sự tiến bộ của mỗi học sinh thân yêu thiết nghĩ thầy cô giáo hãy kiên trì, sáng tạo, ứng dụng các biện pháp, phương pháp mới để  tự chiếm lĩnh khoa học quá trình dạy học và  và tổ chức dần việc “dạy học lấy học sinh làm trung tâm” đến thành công.